Phần hỏi đáp dành cho các cán bộ quản lý giáo dục để chuẩn bị cho công tác học trực tuyến
– UNICEF
1. Nhà trường cần làm gì để có thể triển khai chương trình học trực tuyến thành công?
Các cán bộ quản lý nhà trường có thể lập kế hoạch học trực tuyến hoặc từ xa dựa trên tình hình của trường. Cần thực hiện các yêu cầu cụ thể về chất lượng tài liệu khóa học, các quy tắc cơ bản trong việc dạy và học trực tuyến, đánh giá kết quả học tập của học sinh và các biện pháp hành chính khác để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Nhà trường cần đóng vai trò tích cực trong việc xác định và hỗ trợ giáo viên triển khai phương pháp làm việc mới với các phương thức đào tạo từ xa và giúp xây dựng năng lực của giáo viên để có thể hoàn thành được nhiệm vụ.
Cần theo dõi sức khỏe tâm thần và thể chất của giáo viên cũng như hỗ trợ họ và thay đổi chiến lược khi cần thiết. Cán bộ quản lý nhà trường cũng chịu trách nhiệm lập kế hoạch dự phòng khi các chiến lược không hiệu quả. Ngoài ra, các cán bộ quản lý cần nhận thức được những rủi ro có thể phát sinh với trẻ em gái, cũng như khoảng cách số về giới, để có thể giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.
2. Nhà trường nên chọn nền tảng học từ xa hoặc trực tuyến nào?
Khi đưa ra quyết định, các cán bộ quản lý cần xem xét nhu cầu thực tế của việc dạy và học, ví dụ như thiết lập lớp học trực tuyến, số lượng học sinh, khả năng tiếp cận và đọc, viết kỹ thuật số của học sinh. Nhìn chung, các nền tảng trực tuyến cung cấp nhiều tính năng và hỗ trợ các hoạt động học tập khác nhau sẽ được ưu tiên hơn. Việc này có thể giúp giáo viên và học sinh không phải thay đổi giữa các nền tảng khác nhau.
Tuy nhiên, những trẻ em chịu thiệt thòi nhất, bao gồm trẻ em khuyết tật, trẻ em gặp khó khăn trong học tập, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em di cư và trẻ em ở các cộng đồng nghèo nhất và cộng đồng nông thôn khó tiếp cận nhất, cũng như trẻ em gái, là những người ít có khả năng tiếp cận và hưởng lợi nhất từ các cơ hội học tập trực tuyến. Do đó, cán bộ quản lý nhà trường cần xem xét các phương pháp tiếp cận những trẻ em chịu thiệt thòi nhất, như triển khai các phương thức học tập không sử dụng công nghệ và hoặc sử dụng công nghệ không quá hiện đại, dịch và điều chỉnh tài liệu sang nhiều ngôn ngữ mẹ đẻ, thêm phụ đề chi tiết và phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trực tiếp trong các bài học video/trên truyền hình cho trẻ em khiếm thính. Đảm bảo các tài liệu phù hợp với văn hóa và không tạo thêm định kiến tiêu cực về giới.
3. Làm thế nào để nhà trường có thể thu hút sự tham gia của cha mẹ và cộng đồng?
Nhà trường cần cho phụ huynh và người chăm sóc biết về tầm quan trọng của nhu cầu học tập liên tục, đồng thời hướng dẫn các phương thức học tập trực tuyến (ví dụ: thời gian nào, nền tảng nào). Nhà trường có thể xây dựng các dự án học tập, đòi hỏi sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường, chẳng hạn như các chương trình đọc sách giữa phụ huynh và con cái và hội thảo dành cho phụ huynh, nhằm tạo điều kiện giao tiếp giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Cần lưu ý rằng nhiều trẻ em là thế hệ đầu tiên học theo phương pháp học trực tuyến, có cha mẹ chưa hoàn thành chương trình giáo dục và có thể mù chữ. Do đó, hướng dẫn bằng văn bản có thể không phải lúc nào cũng hữu ích. Nhiều gia đình cũng không đủ điều kiện để tham gia cùng nhà trường. Khi cần có các dụng cụ để phục vụ các hoạt động học tập, các em có thể tận dụng những thứ có sẵn xung quanh – như đá, que, nguyên liệu nấu ăn thông thường… Ngoài ra, có thể xây dựng cộng đồng học tập chung, nơi chia sẻ những trải nghiệm và khó khăn gặp phải, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập tại nhà bằng cách thu hút sự tham gia của người học, các nhà giáo dục và phụ huynh thông qua các nền tảng trực tuyến hoặc SMS.
4. Nhà trường có thể đảm bảo chất lượng chương trình học trực tuyến bằng cách nào?
Phương thức học từ xa có thể còn mới và thường không quen thuộc với nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh. Để tạo điều kiện cho việc học trực tuyến hoặc từ xa diễn ra một cách hiệu quả, việc đào tạo phù hợp với các phương thức học tập mà giáo viên và học sinh đang tham gia là rất quan trọng. Ngay cả việc sử dụng công nghệ quen thuộc cũng đòi hỏi phải được đào tạo: không chỉ riêng việc sử dụng công nghệ mà còn cả về phương pháp sư phạm thông qua nền tảng trực tuyến.
Cũng cần lưu ý rằng cả giáo viên và học sinh đều cần có thời gian để thích nghi với môi trường bình thường mới và nhà trường nên linh hoạt trong việc điều chỉnh kế hoạch giảng dạy của mình. Trường học có thể khuyến khích giáo viên thực hiện các chuyến thăm nhà trực tuyến để hiểu tiến trình học tập của học sinh và điều chỉnh nội dung giảng dạy dựa trên những phát hiện của giáo viên.
- Nguồn: UNICEF Việt Nam (UNICEF là tổ chức quốc tế đi đầu trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em ở 190 quốc gia, trong đó có Việt Nam – www.unicef.org)